Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “C.h.ó s.ủ.a cứ s.ủ.a, người đi cứ đi”. Vậy nên, đừng giải thích, đừng than phiền, đừng cãi nhau với đám đông làm gì. Bạn bè bạn không cần nghe, và kẻ thù của bạn đằng nào cũng chẳng tin. Cứ im lặng làm, và thành công sẽ chạy theo sau.
Câu cách ngôn ngắn gọn đầy xúc tích này lần đầu tiên được phát biểu bởi vị thủ tướng nước Anh – Benjamin Disraeli và sau này được thừa nhận như là một phương châm sống bởi rất nhiều những người Anh có địa vị cao và thành công khác, từ các thành viên hoàng gia, cho tới các đô đốc hải quân, hay những vị thủ tướng đồng nghiệp.
Chỉ với sáu từ nhưng câu nói lại chứa đựng nhiều chân lý và những tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Vậy ta hãy thử phân tích chúng, bắt đầu từ dưới lên.
1. ĐỪNG GIẢI THÍCH
Khi có một ai đó chỉ trích hay xúc phạm đến bạn, khó chịu trước điều bạn đã làm hay đã nói, thì việc bạn muốn phân trần rằng tại sao bạn lại cho rằng họ sai là hoàn toàn tự nhiên – đặc biệt là khi người đó động chạm tới sự chính trực và danh dự của bạn.
Nhưng, nếu bên chỉ trích/xúc phạm/hoài nghi bạn là một ai đó mà bản thân bạn không biết rõ (như là một người lạ trên mạng hay là cộng đồng nói chung), không quan tâm tới, thì việc bỏ ra thời gian để mà giảng giải cho họ hiểu vì sao họ lại sai, hay tại sao bạn lại đưa ra cái quyết định mà bạn đã thực hiện, thật là khờ dại quá.
Khi cứ bận tâm đến suy nghĩ của những người bạn không tôn trọng thì có nghĩa là bạn đang cho phép bản thân mình bị kéo xuống ngang tầm với người đó.
Hơn thế nữa, khi một kẻ ngớ ngẩn khiêu khích sự đáp trả từ bạn, tức là bạn đang công nhận tầm quan trọng của anh ta đấy. Anh ta khiến bạn phải làm điều gì đó đi ngược lại so với khả năng nhìn nhận vốn dĩ sáng suốt hơn thế này của bạn.
Bạn đã trao cho anh ta hai thứ tài sản quý giá nhất của bản thân – thời gian và sự chú ý của bạn. Bạn đã đi từ thế tấn công sang thế phòng thủ. Và địa vị của anh ta đi lên trong khi bạn đi xuống.
Nhưng, nếu như bạn thà thất bại và phải thử sức với một điều gì khác, còn hơn là việc thay đổi các ý kiến và nguyên tắc của mình cho phù hợp với khẩu vị của những người khác, thì bạn hãy lựa chọn giống như Jack London, người từng cảm thấy xã hội luôn không hiểu được các tác phẩm của ông, và thấy hài lòng với cái kết luận: “Hầu hết thế giới này là bọn ng.u đần và toàn bộ gần như là lũ khờ”.
Hay như học giả người Anh Benjamin Jowett từng nói: “Đừng bao giờ nuốt lời. Đừng bao giờ giải thích. Cứ làm đi và cứ để cho lũ chúng nó mặc sức rít gào!”
2. ĐỪNG THAN PHIỀN
Một khi bạn đã hiểu được rằng tại sao rất hiếm khi bạn cần giải thích, bạn cũng nên hiểu được rằng tại sao bạn cũng nên than phiền ít thôi.
Nếu như một doanh nghiệp gặp thất bại trong việc đạt tới các tiêu chí cụ thể do họ tự vạch ra, dĩ nhiên là khi đó bạn có thể yêu cầu được nghe một lời xin lỗi hay đưa ra một lời phàn nàn, đòi lại tiền của bạn hay cái gì tương tự như thế. Hãy tua nhanh phần giải thích nhằm xoa dịu cảm giác khó chịu nơi bạn, và chuyển ngay sang việc bạn muốn họ làm gì để cứu vãn tình hình nhanh nhất có thể.
Nếu như bạn cho rằng ý kiến phản hồi của bạn có thể giúp cho ai đó cải thiện được điều gì đó, thì bạn hãy đưa ra ý kiến của mình dựa trên tinh thần xây dựng.
Nếu như bạn ở vào hoàn cảnh mà một lời phàn nàn sẽ không giúp giải quyết được bất cứ điều gì, thì nói chung bạn nên giữ im lặng là hơn.
Tôi từng trải qua những bữa tối rất tệ ở bên ngoài, tôi cảm thấy như thể chỉ muốn phi ngay về nhà mà viết một bài đánh giá thật khắt khe về cái nhà hàng ấy và đăng lên Facebook. Nhưng lúc nào cũng vậy, cái cảm giác đó rồi sẽ tiêu tan, và tôi chưa bao giờ viết một bài nhận xét tồi tệ nào về bất cứ điều gì trong cuộc đời tôi hết.
BỞI VÌ RÚT CỤC THÌ … AI MÀ THÈM BẬN TÂM CƠ CHỨ?
Có lẽ những trải nghiệm của tôi chỉ mang tính phiến diện thôi thì sao, hay là những người khác lại thấy yêu món ăn mà tôi ghét thì sao. Người chủ nhà hàng đang làm mọi việc theo cái cách mà ông ta mong muốn, và tôi hài lòng với việc để cho thị trường quyết định xem tầm nhìn của ông ta là đúng hay sai.
Thế giới này không tồn tại chỉ để đáp ứng những kỳ vọng của riêng tôi, và nếu như chúng không được đáp ứng, tôi cho rằng mình có thể thực hiện một trong hai việc – đi đến một nơi nào khác, hoặc tự mình tạo ra thứ gì đó mà tôi cảm thấy vừa lòng hơn.
Tôi không bao giờ than phiền bởi vì tôi không cho rằng tôi cần tự phân trần bản thân mình với những người khác, và tôi không nghĩ rằng những người khác nên phân trần bản thân họ với tôi!
Nguồn: Trí thức trẻ