Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị UBND.TP.HCM chấp thuận đầu tư nút giao ngã tư Đình (quốc lộ 1 – đường Nguyễn Văn Quá), quận 12. Dự án Cầu Vượt Ngã Tư Đình Quốc Lộ 1 – Nguyễn Văn Quá Quận 12 này nhận được sự đồng tình của nhiều cơ quan chức năng gồm: UBND quận 12, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP đồng ý phương án xây dựng cầu vượt.
Dự kiến vốn đầu tư: 480 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 159,9 tỉ đồng.
Thiết kế dự án hạ tầng có tuổi thọ: 100 năm.
Quy mô: 4 làn xe lưu thông với tổng chiều dài 600m (trong đó: phần cầu dài 240m, rộng hơn 17m), chịu được động đất cấp 7.
Đồng thời, 3 tuyến đường qua nút giao gồm đường Nguyễn Văn Quá, đường Tân Thới Hiệp 20 và đường Nguyễn Thị Đặng sẽ được mở rộng. Hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… xung quanh cũng được xây dựng hoàn chỉnh.
Mục đích công trình: giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên tại ngã tư Đình và nhằm tăng cường năng lực giao thông thông suốt trên tuyến quốc lộ 1. Cầu vượt này khi xây xong sẽ đáp ứng xe chạy 80 km/giờ, giảm ùn tắc cho khu vực Tây Bắc TP.HCM, phát triển kinh tế – xã hội.
Tầm quan trọng của Dự án Cầu Vượt Ngã Tư Đình Quốc Lộ 1 – Nguyễn Văn Quá Quận 12
Hiện nay, Quốc lộ 1 là trục giao thông chính nhưng xe cộ khi qua ngã tư Đình – đoạn giao với đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 thường xuyên bị kẹt, nhất là vào giờ cao điểm, gây khó khăn, trở ngại đến đời sống, kinh tế người dân.
Trong khi đó, cầu vượt lại có vai trò quan trọng đối với các nút giao thông cao điểm. Cầu vượt là loại cầu được thiết kế, xây dựng cho một con đường vượt lên phía trên con đường khác, nhằm giúp luồng giao thông trên tuyến đường này tránh xung đột với luồng giao thông trên tuyến đường kia.
Các cầu vượt lớn hiện nay tại Sài Gòn được bố trí tại các nút giao thông lập thể và các khu vực đông dân cư có đường lớn chạy qua. Nếu xây cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 1 – đường Nguyễn Văn Quá thì sẽ giúp giao thông ngã tư này thông suốt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và ổn định đời sống người dân khu vực Tây Bắc.
Phù hợp với xu hướng giãn dân
Trước tình hình quỹ đất vùng lõi TP HCM đã cạn kiệt, khu Tây Bắc chỉ cách trung tâm TP chưa đến 30 km trở thành vùng đất lý tưởng để nhiều gia đình, bạn trẻ chọn làm nơi an cư.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, hiện tượng mưa ngập ở trung tâm thành phố xảy ra thường xuyên, nhiều nhà đầu tư đã chuyển về Tây Bắc để an cư. Lý do chính vì đây là vùng đất cao không bị ngập nước, dễ dàng xây dựng nhà ở cũng như cơ sở kinh doanh.
Theo khảo sát, khu vực Tây Bắc Sài Gòn đang sở hữu quỹ đất dồi dào chưa được khai thác và giá đất thấp hơn hẳn so với các khu vực khác. Nếu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với trung tâm nữa sẽ có tiềm năng rất lớn.
Phía Tây Bắc Sài Gòn còn tập trung hàng loạt các khu công nghiệp có quy mô lớn như: KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Tân Phú Trung… thu hút người lao động.
Đi cùng với việc quy hoạch khu đô thị Tây Bắc Sài Gòn, làng đại học, công viên thì hệ thống giao thông nơi đây cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, dự án hệ thống tàu điện Metro tạo sự kết nối thuận tiện, đường Vành Đai 4 là tuyến đường huyết mạch kết nối 3 trung tâm kinh tế trọng điểm Long An – TP. HCM – Bình Dương…
Bất động sản Tây Bắc Sài Gòn hưởng lợi
Bên cạnh dự án cầu vượt Quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Quá nói trên, cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh sắp tới thực hiện nhiều công trình như: Cải tạo quốc lộ 22, xây cầu vượt giao lộ quốc lộ 22 – Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), quốc lộ 22 – Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn), đường song hành Phan Văn Hớn (quận 12)…
Mới đây, dự án hầm chui An Sương được nâng cấp, mở tổng với tổng vốn hơn 900 tỷ đồng hoàn thành, giúp các loại xe qua lại thông thoáng ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố và tăng kết nối về phía tỉnh Long An (TP đã đầu tư 514 tỷ đồng cho dự án xây dựng hầm chui nút giao thông An Sương. Hầm chui gồm 2 nhánh hầm, nhánh N1 hướng từ khu trung tâm TP đi huyện Củ Chi và nhánh N2 theo hướng ngược lại).
Trong tương lai, dự án Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài với chiều dài 53,5 km có tổng vốn đầu tư 10.688 tỷ đồng được kỳ vọng là cú hích lớn về giao thông cho khu vực cửa ngõ Tây Bắc và tạo điều kiện cho phát triển khu vực.
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng Tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đang được các quận ráo riết triển khai, kỳ vọng khi tuyến Metro số 2 đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu thiết thực trong việc đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, giúp cải thiện môi trường sống, xây dựng lối sống hiện đại cho cộng đồng cư dân của khu vực.
Cùng với đó, Dự án mở rộng đường Tô Ký – một trong những trục nối quan trọng của khu Tây Bắc và dự án mở rộng Quốc lộ 1A sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực này.